Một mùa thu nữa lại về. Mùa thu thắng lợi của Cách mạng Việt Nam từ 66 năm trước đã làm nên những mùa thu thắng lợi tiếp theo của đất nước nói chung và ngành y tế nói riêng… Phát huy những thành tựu đạt được của y tế cách mạng giai đoạn trước, trong đó có hai năm liên tiếp 2009 và 2010, nhiều lĩnh vực của ngành y tế đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chắc chắn năm 2011, với nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành, sẽ thêm một năm lĩnh vực y tế gặt hái được nhiều thành công, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, công tác phòng chống dịch bệnh của ngành y tế đã đạt được những kết quả tích cực, đã kiểm soát, khống chế và ngăn chặn thành công các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, không để dịch lớn xảy ra. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đang triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp để khống chế và đẩy lùi bệnh tay - chân - miệng. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vaccin cơ bản đạt trên 90%. Tiếp tục triển khai tiêm chủng một số loại vaccin mới như thương hàn, tả, viêm não, viêm gan B. Việt Nam được cộng đồng quốc tế biết đến như điểm sáng trong phòng chống HIV/AIDS. Phát huy những kết quả đạt được, hoạt động phòng chống HIV/AIDS được ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh từ khâu kiện toàn hệ thống tổ chức đến hoạt động thông tin giáo dục truyền thông và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. 6 tháng đầu năm 2011, trên toàn quốc giảm nhẹ cả số nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS và số tử vong do HIV/AIDS.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Quốc hội.
Về công tác khám chữa bệnh, với các giải pháp về chống quá tải bệnh viện tuyến trên như: nâng cao chất lượng điều trị để rút ngắn số ngày điều trị, tăng diện tích cho khu điều trị (tăng được 32.000 giường bệnh) đã làm giảm nằm ghép từ 15.000 người/ngày xuống còn 6.000 người/ngày. Bên cạnh đó, việc triển khai thành công Đề án 1816 để nâng cao năng lực y tế cơ sở tuyến dưới cũng đã giảm 30% bệnh nhân chuyển lên tuyến trên... Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế đã tập trung đầu tư phát triển và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao ở các chuyên ngành ung thư, lao và bệnh phổi, tim mạch trẻ em, ghép tạng, phẫu thuật nội soi... đã không chỉ giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay trong nước mà còn góp phần khẳng định thương hiệu, uy tín của ngành y tế Việt Nam với các nước có nền y tế phát triển.
Lĩnh vực ATVSTP đã có tiến bộ rõ rệt trong kiểm soát ngộ độc thực phẩm. Hệ thống cung ứng thuốc đã bao phủ cả nước, tới các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Thuốc sản xuất trong nước góp phần cung ứng khoảng 50% thuốc có chất lượng phục vụ nhu cầu phòng, chữa bệnh của nhân dân. Công tác quản lý giá thuốc cơ bản được duy trì tương đối ổn định.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tính đến tháng 8/2011, cả nước có khoảng 56 triệu người tham gia BHYT (tính cả gần 2 triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ nhưng vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong trường hợp sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh) góp phần đảm bảo lộ trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Những phát triển trong đời sống xã hội và sự phát triển của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã góp phần làm cho tuổi thọ của người dân nước ta tăng nhanh - hiện đạt 74,3 tuổi, đứng thứ 54/182 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, cao hơn nhiều so với thứ bậc 129 về GDP bình quân đầu người, cao hơn nhiều tuổi thọ bình quân 67,5 tuổi của toàn thế giới, góp phần quan trọng để chỉ số phát triển con người của Việt Nam cao hơn những nước có GDP bình quân đầu người cao hơn.
Về công tác nhân lực y tế, cùng với các giải pháp để dần tạo sự đồng bộ về nhân lực giữa các tuyến y tế, tăng chỉ tiêu đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, 6 tháng đầu năm 2011, ngành y tế đã triển khai và phối hợp với các cơ sở đào tạo, UBND các tỉnh, một số bộ, ngành liên quan để xây dựng đề án: “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2011 - 2020”; Trình Thủ tướng Chính phủ đề án: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế giai đoạn 2011 - 2020...
Năm 2011 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2015, đồng thời tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng. Trong hai năm liên tiếp trước đó, nhiều lĩnh vực của ngành y tế (gồm các chỉ tiêu quan trọng của Quốc hội, Chính phủ đề ra như: mức giảm tỷ lệ sinh; tốc độ tăng dân số; tuổi thọ trung bình; số giường bệnh viện/1 vạn dân; số bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia BHYT; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng...) đã đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chắc chắn, với những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2011, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra ở giai đoạn mới này, tạo tiền đề cho ngành phát triển vững bước trong những năm tiếp theo.
Trước Cách mạng Tháng Tám, cả nước chỉ có 771 cơ sở KCB, phục vụ chủ yếu cho thực dân phong kiến. Tổng số giường bệnh có 13,9 nghìn, bình quân 1 vạn dân có 6,1 giường. Tổng số bác sĩ có 212 người, bình quân 1 vạn dân chỉ có 0,094 bác sĩ. Tổng số y sĩ có 439 người. Số dược sĩ trung cấp và cao cấp của cả nước chỉ có 32 người. Sau Cách mạng Tháng Tám lịch sử và Quốc khánh 2/9/1945 đến nay, sự nghiệp y tế của đất nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có 13.455 cơ sở KCB, với 234.000 giường bệnh; bình quân 1 vạn dân có 20,7 giường bệnh (không kể số giường của trạm y tế xã, phường, thị trấn và trạm y tế các cơ quan). Tổng số bác sĩ là 62,5 nghìn người; bình quân 1 vạn dân có 7,2 bác sĩ. Cả nước có 53,3 nghìn y sĩ; 75,9 nghìn y tá, 27 nghìn nữ hộ sinh, 5,7 nghìn dược sĩ cao cấp, 16 nghìn dược sĩ trung cấp, 8,3 nghìn dược tá.
Thái Bình (SK&ĐS)