Y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề y, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, coi sự đau đớn của người bệnh như của mình. Lời Bác Hồ đã dạy "Lương y như từ mẫu". Y đức không ở đâu xa, đó là thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ - cái mà người bệnh rất cần.
Lâu nay, nhiều người (ngay cả nhân viên y tế) cứ nghĩ rằng, y đức chỉ là những gì to tát, là những vấn đề liên quan đến yếu tố chuyên môn sâu nhiều hơn, mà quên rằng, y đức không ở đâu xa, đó là những việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở y tế. Đó là thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ đối với người bệnh và thân nhân họ.
Trong 12 điều y đức (tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế), Điều 4 có nói: "Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình...; phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị...". Thế nhưng, lâu nay tại các bệnh viện (BV), cơ sở y tế, nhiều nhân viên, y, bác sĩ ít quan tâm nhiều đến khía cạnh tiếp xúc, chia sẻ với bệnh nhân; một số y, bác sĩ rất "tiết kiệm" lời, khiến người bệnh rất e ngại mỗi khi vào BV, nhất là những BV công!
Gần đây, khi rất nhiều BV tư mở ra, họ không hơn BV công về chuyên môn nhưng vượt trội BV công ở cử chỉ giao tiếp, thái độ phục vụ. Chính điều đó đã "kéo" một lượng lớn người bệnh đến với BV tư, mặc dù giá cả BV tư có một số nơi cao hơn, nhưng ở đó, người bệnh cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm trong quá trình chữa bệnh. Điều đó đã khiến một số BV công phải nhìn nhận lại, thay đổi cung cách phục vụ người bệnh trong bối cảnh đầy sự cạnh tranh giữa y tế công - tư. Và gần đây, rất nhiều đơn vị y tế (cả công và tư) đã chú tâm hơn về y đức ở khía cạnh giao tiếp, phục vụ bệnh nhân. Một số nơi đã triển khai những chương trình, mời các chuyên viên đến huấn luyện y, bác sĩ về cách giao tiếp, thái độ phục vụ người bệnh; cũng như cải tiến một số khâu phục vụ nhằm đem lại những điều tốt hơn cho người bệnh.
Tại TP.HCM, mới đây BV Da liễu đã khai giảng một lớp học "đặc biệt" dành cho nhân viên, y, bác sĩ của BV. Lớp học ấy không phải về chuyên môn y khoa, mà là lớp "Kỹ năng giao tiếp trong phục vụ người bệnh"! Giám đốc BV - bác sĩ Vũ Hồng Thái nói: "Lâu nay, người bệnh luôn bức xúc về cung cách phục vụ, thái độ giao tiếp rất kém tại các cơ sở y tế, điều đó là rất đúng. Người bệnh không được tôn trọng, bị xem như là đối tượng cần sự ban ơn, bị quát nạt, phải chờ đợi lâu. Vì thế, mục tiêu của lớp học là làm sao cho toàn bộ nhân viên của BV nhận thức rõ rằng, việc phục vụ người bệnh là một dạng phục vụ khách hàng đặc biệt. Quan hệ giữa nhân viên y tế và người bệnh cũng là quan hệ giữa người cung ứng dịch vụ và khách hàng. Làm tốt mối quan hệ này là việc làm bức thiết trong việc xây dựng y đức của người thầy thuốc, đó là những điều đơn giản nhất, mà trong y đức đã quy định, nhưng lâu nay các BV bỏ quên!".
BV Chợ Rẫy cũng đã chi ra 100 triệu đồng để mời các chuyên gia đến nói chuyện, huấn luyện về thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ. Bởi, qua các đơn thư phản ánh, BV này tổng kết lại và thấy phần lớn là phản ánh về thái độ giao tiếp, cách phục vụ của y, bác sĩ, còn phản ánh về chuyên môn rất ít!
Một BV công khác tại TP.HCM là BV Nhân dân Gia Định cũng vừa tổ chức hai lớp "Văn hóa giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân". Giám đốc BV - bác sĩ Đỗ Hoàng Giao cho biết: "BV mời một chuyên viên đến nói chuyện, thấy hay quá, nhiều y, bác sĩ đã đi học đến hai lớp! Lâu lâu BV sẽ tổ chức lớp nhắc lại, chứ không phải làm một lần rồi thôi. Bên cạnh đó, đầu tháng 3 tới, BV sẽ tổ chức khám bệnh sớm hơn thường lệ 1 giờ (bắt đầu vào 6 giờ sáng), cũng là nhằm phục vụ nhu cầu người bệnh tốt hơn. Đó là những yếu tố y đức cơ bản cần phải thay đổi".
Một BV công nữa là BV Nhi đồng 1 cũng vừa kết thúc lớp "Giao tiếp, tâm lý người bệnh". Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV nói: "Mục tiêu của lớp huấn luyện nhằm tăng cường phục vụ người bệnh tốt hơn. Hiểu được tâm lý người bệnh, sẽ cải thiện được cách giao tiếp, làm hài lòng bệnh nhân, thân nhân của họ...".
Ở khu vực y tế tư, hôm cuối năm, BV FV (TP.HCM) cũng phát động chương trình y đức. Bác sĩ Jean - Marcel Guillon - Tổng giám đốc FV nói: "Kỹ thuật cao, phương tiện hiện đại của BV là chưa đủ, người bệnh còn rất cần sự tận tâm, quan tâm chia sẻ, đồng cảm của thầy thuốc".
Một đơn vị y tế tư khác là Trung tâm chẩn đoán y khoa - Medic cũng đã làm người bệnh hài lòng hơn bằng việc triển khai dịch vụ xét nghiệm tại nhà (nhân viên y tế của trung tâm đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm và đem trả kết quả tận nhà, nếu người bệnh có nhu cầu). Đồng thời trung tâm cũng tổ chức khám bệnh từ... lúc 4 giờ sáng (thay vì 7 giờ như trước đây). Bác sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc trung tâm cho biết: "Việc triển khai khám bệnh sớm hơn thường lệ 3 giờ đồng hồ đã giúp giải quyết thêm từ 300 - 400 bệnh nhân mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu cho nhiều người bệnh đi khám sớm, rồi đi làm luôn không phải nghỉ buổi làm việc".
Nguyễn Minh Thông